THÁCH THỨC TUYỂN DỤNG THỜI CÔNG NGHỆ 4.0
THÁCH THỨC TUYỂN DỤNG THỜI CÔNG NGHỆ 4.0
Ngày cập nhật: 14-08-2017
Anh Nam, chuyên viên tuyển dụng của một công ty phần mềm, vẫn thường xuyên theo dõi tài khoản Facebook của các ứng viên. Không chỉ là theo dõi trang cá nhân, anh còn quan tâm một số nhóm trên Facebook, nơi mà cả anh và ứng viên đều là thành viên, và vào LinkedIn để xem lịch sử công tác và thành tích của họ. Anh Nam chia sẻ: “Cách nay mấy năm, chỉ qua e-mail và điện thoại, việc tìm hiểu ứng viên rất khó khăn. Bây giờ thì công việc đã dễ dàng hơn khi có thể xem tài khoản mạng xã hội và những giao tiếp của ứng viên trên mạng”. Đây là một khía cạnh điển hình của công việc tuyển dụng trong thời đại công nghệ 4.0. Khi công nghệ hiện diện ngày càng nhiều trong đời sống và chi phí sở hữu công nghệ ngày càng rẻ, mọi lĩnh vực đều bị ảnh hưởng sâu sắc. Quản trị nhân sự nói chung và tuyển dụng nói riêng cũng không thể tránh khỏi những tác động.
 
Đối với những chuyên viên tuyển dụng như anh Nam, công nghệ mang lại cho họ những cơ hội và cả những thách thức so với phương thức tuyển dụng truyền thống.
 
Đầu tiên việc tìm kiếm ứng viên trở nên dễ dàng hơn do thông tin nghề nghiệp cá nhân được đưa lên trên mạng đa dạng hơn thời gian trước. Bên cạnh đó, qua mạng xã hội, chuyên viên tuyển dụng có kết nối với các ứng viên tiềm năng từ rất lâu trước khi có nhu cầu tuyển dụng. Họ có thể chủ động xây dựng danh sách ứng viên. Công nghệ cũng giúp họ có thể sở hữu các công cụ để giới thiệu nhu cầu tuyển dụng của mình với ứng viên, ví dụ như fanpage, các nhóm hoặc những chủ đề nội dung mà ứng viên quan tâm. Chi phí công nghệ và tinh thần khởi nghiệp cũng tạo ra nhiều startup trong dịch vụ tuyển dụng, giúp cho hệ sinh thái tuyển dụng đa dạng và linh hoạt hơn. Những công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo… đã tạo ra các công cụ giúp cho chuyên viên tuyển dụng quản trị hồ sơ ứng viên, trả lời ứng viên…; hay hệ thống CRM giúp quản trị mối quan hệ với ứng viên hoặc trợ giúp các hoạt động tuyển dụng truyền thống. Tất cả những công cụ đó đã gia tăng năng suất và hiệu suất của chuyên viên tuyển dụng.
 
Nhưng bên cạnh những thuận lợi, công nghệ cũng tạo ra không ít những khó khăn cho công tác tuyển dụng cũng như quản trị nhân sự. Với công nghệ thời nay, rào cản giữa doanh nghiệp và môi trường bên ngoài gần như bị xóa nhòa, nhân viên trong doanh nghiệp có khả năng tương tác rộng và sâu với bên ngoài và họ biết tới các cơ hội việc làm nhiều hơn. Họ sẽ so sánh những sự đãi ngộ của doanh nghiệp nơi họ đang làm việc với các doanh nghiệp cùng ngành thông qua bạn bè. Việc tiếp cận được nhiều thông tin khiến các ứng viên có cơ hội tìm hiểu và đầu quân về doanh nghiệp mà họ yêu thích hay có những giá trị phù hợp với họ. Công nghệ làm cho “khả năng thay đổi” nhân sự tăng cao hơn rất nhiều. Có thể nói, công việc tuyển dụng thời nay cần được thực hiện liên tục để thu hút ứng viên chứ không thụ động chờ khi có nhu cầu tuyển dụng mới đăng tải thông tin. Doanh nghiệp nào không thấu hiểu công việc gắn kết ứng viên tiềm năng sẽ ít có cơ hội tuyển dụng nhân sự hơn doanh nghiệp khác.
 
Công nghệ cũng giúp cho quy trình tuyển dụng rút ngắn đi nhiều nên tốc độ cũng là một trong những yếu tố then chốt của công việc tuyển dụng. Chuyên viên tuyển dụng cần thấu hiểu mức độ tương tác giữa ứng viên và doanh nghiệp đã trở nên nhanh hơn, sớm hơn và sâu sắc hơn rất nhiều. Khi những thông tin về năng lực, thành tích của ứng viên được cập nhật nhanh chóng thì doanh nghiệp nào có khả năng tuyển dụng nhanh hơn sẽ có nhiều cơ hội “lấy” được ứng viên phù hợp hơn.
 
Chuyên viên tuyển dụng thời nay cần chủ động phát hiện và lưu trữ thông tin về các ứng viên tiềm năng; thiết lập kênh tiếp cận, gắn kết với họ. Để xây dựng thương hiệu phục vụ công tác tuyển dụng, doanh nghiệp cần những chuyên viên tuyển dụng cũng là những chuyên viên tiếp thị nhằm giới thiệu các giá trị, văn hóa cũng như các chính sách về quyền lợi cụ thể tới ứng viên tiềm năng. Sau khi xây dựng nguồn dữ liệu ứng viên tích cực và truyền thông hiệu quả, các chuyên viên tuyển dụng sẽ vận dụng những kỹ năng để thực thi quy trình tuyển dụng một cách nhanh gọn, hiệu quả mới có thể cạnh tranh với các công ty khác. Thách thức lớn nhất cho chuyên viên tuyển dụng thời 4.0 là họ phải nắm bắt những nhóm công việc mới song song với việc làm thật tốt công tác tuyển dụng truyền thống.
 
Một thách thức không nhỏ khác phải kể đến là việc “giữ gôn” – bảo vệ các nhân viên giỏi, làm việc hiệu quả khỏi sự lôi kéo của các doanh nghiệp cạnh tranh. Ghi bàn tuyển dụng giỏi nhưng giữ gôn không tốt sẽ tạo ra những khoảng trống nhân lực, đôi khi là rất lớn, trong doanh nghiệp. Các chuyên viên tuyển dụng cần làm tốt công việc tư vấn nghề nghiệp, huấn luyện, gắn kết nhân viên của mình. Đây cũng là một thách thức trong việc thay đổi cách tiếp cận về nghề tuyển dụng, vì trước đây, các chuyên viên tuyển dụng thường không chú ý tới phần việc này.
 
Ở khía cạnh khác, xu hướng công nghệ còn tạo ra những doanh nghiệp tuyển dụng dạng Uber. Các chuyên viên tuyển dụng dễ dàng bị thay thế khi có những dịch vụ tuyển dụng theo nhu cầu, hoặc doanh nghiệp có thể chuyển toàn bộ công việc tuyển dụng sang thuê ngoài (outsourcing) nhằm cắt giảm chi phí lương và các khoản phúc lợi hàng tháng. Khả năng mất việc của chuyên viên tuyển dụng còn cao hơn khi dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo, điện toán đám mây và mạng xã hội kết hợp với nhau để thay thế một phần hay toàn bộ công việc tuyển dụng.
 
Như Công ty khởi nghiệp Interviewed tại Mỹ có các công cụ kiểm tra (test) mô phỏng sử dụng trí thông minh nhân tạo, cho phép doanh nghiệp có thể đánh giá ứng viên nhiều hơn, nhanh hơn, với chi phí hiệu quả hơn. Người khổng lồ Google đang đưa ra công cụ Cloud Job giúp tìm kiếm các hồ sơ ứng viên và sử dụng trí thông minh nhân tạo để lọc ra các hồ sơ phù hợp với các vị trí công việc yêu cầu dựa trên kho dữ liệu lớn về năng lực, tính cách và các yêu cầu khác. Một công ty khác tại Mỹ có tên Entelo cũng đưa ra dịch vụ phân tích hồ sơ nhân viên trên mạng truyền thông xã hội để xác định khả năng chuyển việc của nhân viên có cao hay không. Những ví dụ này cho thấy trong tương lai gần, một phần hay tất cả công việc tuyển dụng sẽ được tự động hóa thông qua công nghệ.
 
Những thách thức của thời đại công nghệ là rất lớn nhưng vẫn có nguyên tắc bất di bất dịch, đó là nguyên tắc giá trị trong kinh doanh. Bất kỳ nhân viên nào trong doanh nghiệp cũng phải liên tục đổi mới, sáng tạo để gia tăng giá trị đóng góp cho doanh nghiệp. Cũng như vậy, doanh nghiệp sẽ luôn tìm cách tối giản chi phí trong quá trình mua giá trị từ nhân viên. Tất cả các cuộc cách mạng công nghệ đều tạo ra những cá nhân chiến thắng nếu sử dụng công nghệ tạo ra giá trị vượt trội, và những cá nhân thất bại khi không tận dụng được cơ hội công nghệ đem lại. Cộng đồng chuyên viên tuyển dụng không còn cách nào khác là phải chấp nhận cuộc chơi gia tăng giá trị trong tương lai. Bản thân các chuyên viên tuyển dụng phải nâng cao năng lực của chính mình vì máy móc vẫn chưa thể thay thế hết toàn bộ các phần công việc. Bên cạnh đó, cần phải tích cực tìm hiểu, sử dụng thành thục các công nghệ mới để tồn tại với cuộc cách mạng 4.0.
 
                                                                                                                                           ( Tổng hợp )
Tin tức khác
tìm kiếm

Giới thiệu về QTS Việt nam

Lời đầu tiên, Công ty Cổ phần Công nghệ QTS Việt Nam xin gửi tới Quý khách hàng lời chào trân trọng cùng lời chúc sức khỏe và thành công.
Công ty Cổ phần Công nghệ QTS Việt Nam là đơn vị chuyên tư vấn, triển khai lắp đặt, các dự án Công nghệ thông tin, truyền thông cho các đơn vị, tổ chức, khối cơ quan hành chính nhà nước, khối sự nghiệp, khối doanh nghiệp…